Diện tích trồng cây hồ tiêu tăng nhanh trong những năm qua |
So với thời giá tháng 2/2016 là 220.000 đồng/kg, nay còn khoảng 140.000 đồng/kg, người trồng hồ tiêu không có lãi nhiều. Không những thế, nhiều vườn hồ tiêu cũng đang đối mặt với dịch bệnh khó kiểm soát, gây thiệt hại lớn cho những người trồng tiêu.
Tăng diện tích ồ ạt
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), diện tích trồng hồ tiêu cả nước thời điểm năm 2005 đạt hơn 49.000 ha. Trong 10 năm qua, diện tích hồ tiêu tăng bình quân 6.000 ha/năm. Giải thích lý do người dân đua nhau trồng cây hồ tiêu, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, chỉ trong vòng 5 năm, giá hồ tiêu đã tăng từ 100.000 đồng/kg tiêu nguyên liệu thời điểm 2011 lên 220.000 đồng/kg từ tháng 2/2016.
Trong khi đó, thời điểm 2011 giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp (dưới 20.000 đồng/kg mủ tươi), giá cà phê thế giới biến động giảm bất thường trong 3 năm gần đây đã khiến nhiều người dân tự ý chuyển từ cây cao su, cà phê, hoa màu sang trồng hồ tiêu. Đây là điều đáng báo động vì mất cân bằng các loại cây trồng, cũng như thừa cung trên thị trường hồ tiêu.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, thì hầu hết các tỉnh có trồng hồ tiêu đều có diện tích tăng trong khoảng 5 năm qua. Điển hình như tại tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm tháng 11/2016, toàn tỉnh có 14.300 ha hồ tiêu, vượt hơn 4.300 ha so với quy hoạch phát triển cây hồ tiêu của tỉnh đến năm 2020.
Theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu ở Đồng Nai tăng mạnh, trung bình mỗi năm tỉnh phát triển thêm khoảng 1.000 ha.
Các địa phương có nhiều diện tích hồ tiêu là huyện Cẩm Mỹ (gần 4.000 ha), Xuân Lộc (khoảng 3.000 ha) và thị xã Long Khánh (trên 1.000 ha)... Hầu hết diện tích hồ tiêu ở Đồng Nai được người dân trồng sau khi chặt bỏ cà phê, cao su và các loại cây ăn quả.
Còn ở tỉnh Bình Phước, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích hồ tiêu ở Bình Phước cũng tăng nhanh từ năm 2013 (hơn 10.000 ha) lên gần 14.000 ha (năm 2016). Người nông dân đã tự phát trồng theo phong trào mà không tính đến chất lượng giống, thổ nhưỡng vùng trồng cũng như thị trường tiêu thụ.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu tăng nhanh, trong 2 năm qua, diện tích trồng cây hồ tiêu của tỉnh cũng tăng đột biến, từ 7.000 ha (2014) lên 11.000 ha (2016). Trong khi đó, diện tích hồ tiêu của tỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 8.300 ha. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, trong những năm gần đây, diện tích trồng hồ tiêu có xu hướng tăng nhanh là do giá hồ tiêu trên thị trường tăng cao.
Bên cạnh đó, các hộ nông dân cũng áp dụng các tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất hồ tiêu nên sản lượng được nâng từ 4 tấn/ha lên 8 tấn/ha, nông dân tăng lợi nhuận từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm khiến nhiều hộ sản xuất cây trồng khác đều chuyển sang trồng cây hồ tiêu.
Tính đến 15/11/2016, ngành hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu được 164.229 tấn, đạt trị giá hơn 1,3 tỷ USD. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 30% tổng sản lượng thế giới và đến 2020 lượng hồ tiêu xuất khẩu của ta có thể chiếm 50% sản lượng hồ tiêu thế giới.
Trong khi đó, các nước Ấn Độ, Indonesia , Malaysia , Brazil cũng đang mở rộng diện tích trồng hồ tiêu để đẩy mạnh xuất khẩu. "Như vậy, khi nguồn cung vượt cầu sẽ đẩy giá hồ tiêu tiếp tục giảm xuống", ông Đỗ Hà Nam , Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhấn mạnh.
Dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại nhiều vườn tiêu
Hồ tiêu là loại cây thích nghi với khí hậu nhiệt đới, có sinh lý nhạy cảm. Ở những vị trí như đất cao, đất có độ nghiêng lớn, đất quá thấp, đất lòng chảo, đất sét lại không phù hợp trồng tiêu.
Nhiều người dân không theo khuyến cáo và hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, tự ý mở rộng diện tích hoặc chuyển đổi cây trồng trên những diện tích không phù hợp này khiến cho cây tiêu khó phát triển, dễ phát sinh dịch bệnh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp Nhiệt Đới, cây tiêu phát triển tốt nhờ bộ rễ khỏe mạnh, hấp thu chất dinh dưỡng tốt để nuôi cây.
Tuy nhiên, để đẩy năng suất hồ tiêu, người sản xuất đã sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật thiếu hướng dẫn và thiếu kiểm soát, làm cho đất bị ngộ độc, cây tiêu hấp thụ chất độc thì sức đề kháng yếu, dễ bị vi khuẩn tấn công vào bộ rễ, phát sinh các bệnh chết nhanh, chết chậm, thâm mạch dẫn, tháo đốt, rụng lá...
Chính vì vậy, trong thời gian qua, nhiều vườn tiêu khu vực Đông Nam bộ đã bị thiệt hại nặng, có vườn bị mất trắng, có vườn còn cầm cự chờ giải pháp cứu nguy. Hàng chục héc ta hồ tiêu tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị dịch bệnh phải chặt bỏ.
Theo anh Đặng Công Hải, chủ vườn tiêu 5.000 m2 tại ấp Trường An, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), tiêu đang trong giai đoạn hình thành hạt, 3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, hơn một tháng trở lại đây, gần 300 gốc tiêu của gia đình anh bắt đầu chết rụi với tốc độ rất nhanh, thiệt hại ước khoảng 1 tấn tiêu hạt trong vụ này.
Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, diện tích hồ tiêu tăng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hiện tượng tiêu chết do dịch bệnh, do trồng trên địa hình, địa lý không phù hợp, thiếu nước tưới.
Trước sự phát triển của dịch bệnh nằm ngoài kiểm soát của ngành nông nghiệp địa phương, cũng như chính nông dân sản xuất, việc quản lý và phòng dịch bệnh trước hết phải do người dân tìm hiểu kĩ trước khi quyết định chuyển đổi hay mở rộng.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, dù tăng diện tích trồng tiêu nhưng vì không nắm vững kĩ thuật, nhiều vườn tiêu thiết kế chưa hợp lý, không quan tâm đến thoát nước khi gặp mưa dẫn đến dịch hại gây chết, chưa quan tâm đến hướng trồng, mật độ, trồng xen nhiều loại cây, cây choái sống không được cắt tỉa làm cho vườn tiêu thiếu ánh sáng, không thông thoáng, độ ẩm cao, vì vậy dịch hại dễ phát sinh, phát triển và gây hại.
Song song với việc chuyển đổi diện tích, việc lạm dụng phân bón vô cơ cho cây tiêu cũng đã gây thiệt hại cho các vườn. Điển hình như các vườn tiêu tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng rơi vào tình trạng chết nhanh, chết chậm, rụng lá.
Chị Huỳnh Thị Thu Hằng, ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, nhà chị có vườn tiêu 2,5 ha nhưng trong đó 5.000 m2 bị ngộ độc đất và nhiễm tuyến trùng, tháo đốt tiêu không có khả năng phục hồi. Vườn tiêu này dù đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật phun lên lá và bón gốc để cứu tiêu, nhưng rồi lá cứ vàng dần và rụng, khó cứu vãn.
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã đưa ra khuyến cáo các hộ nông dân trồng tiêu phải thường xuyên dọn sạch vườn tiêu, kiểm tra hệ thống tưới tiêu và đảm bảo thoát nước tốt trong mùa mưa.
Bên cạnh đó, các hộ dân trồng tiêu cần chuyển hướng sang sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác tiêu, tăng cường trồng cây họ đậu để làm đất thoáng, tơi xốp, cung cấp đạm hữu cơ kịp thời cho cây tiêu mới có thể cứu cây tiêu thoát khỏi dịch bệnh như hiện nay.
Bên cạnh đó, các Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Trung và Tây Nguyên nghiên cứu có hệ thống và đồng bộ các giải pháp đối với cây hồ tiêu từ chọn tạo giống, quy trình canh tác, quy trình thực hành sản xuất tốt GAP.
Bên cạnh đó, việc sơ chế biến, bảo quản, xây dựng và thực hiện chương trình giống hồ tiêu từ Trung ương đến địa phương; xây dựng và quản lý vườn cây đầu dòng, vườn nhân giống, đẩy mạnh sản xuất đủ giống hồ tiêu tốt, năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái để phục vụ trồng mới và tái canh./.
Theo: báo Vietnambiz.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.