Theo Phó Thủ tướng, thị trường vốn hiện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng ngân hàng, phải chăng ngân hàng đang phải gánh quá sức...
30 tuổi: Quá nhiều người sống như thể họ đang ở vạch đích, còn tôi muốn chạy một cuộc marathon thứ thiệt
Sáng nay ngày 21/8 tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam – ViEF 2018 với chuyên đề "Thị trường vốn – Tài chính". Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá diễn đàn là kênh đối thoại công - tư thường niên hiệu quả để Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương thảo luận trực tiếp với các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế về những vấn đề quan trọng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ đó có các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, tiếp nối đà tăng trưởng năm 2017, kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục phát triển ổn định, GDP tăng đều đạt 7,08%, lạm phát được kiềm chế ở mức từ 3,5-3,8%, tỷ giá ngoại tệ được giữ ổn định, lãi xuất ngân hàng cho vay ở mức 12 tháng cũng tương đối ổn định, ở khu vực tiêu dùng là 6,4-7,2 %, khu vực sản xuất kinh doanh là 6,8 - 11%/năm, tính thanh khoản tốt.
Thị trường chứng khoán mặc dù bị tác động từ thị trường quốc tế nhưng có sự ổn định và tăng trưởng khả quan của nền kinh tế đã duy trì niềm tin, động lực để thu hút các nhà đầu tư ngoại. Hầu hết các nhóm cổ phiếu từ xây dựng, thép, bất động sản đến ngân hàng… đều tăng mạnh. Số lượng và loại hình của các tổ chức tham gia thị trường ngày càng tăng, vừa đảm bảo đa dạng hóa đầu tư, vừa đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp lớn đang tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết cũng sẽ giúp thu hút dòng tiền lớn trong năm 2018. Thanh khoản thị trường kỳ vọng sẽ phá kỷ lục 12.000 tỷ đồng/phiên. Tính tiêng trong 6 tháng đầu năm nay, 16 DNNN đã IPO và bán gần 46% vốn điều lệ cho các cổ đông chiến lược, trị giá gần 22.500 tỷ đồng, gấp 4,5 lần trị giá từ IPO của cả năm 2017. Các bộ, địa phương cũng bán vốn nhà nước tại 42 DN với giá trị 5.598 tỷ đồng.
Như vậy, tổng thu từ CPH, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm đạt trên 28 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ CPH, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ CPH, thoái vốn giai đoạn 2011-2015.Các con số này cho thấy quá trình CPH DNNN đang đi vào thực chất, đề cao chất lượng CPH và nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của DNNN sau CPH. Đặc biệt, đã thành lập Ủy ban QLVNN tại DN và đang hoàn tất các văn bản pháp lý để đưa vào hoạt động, thống nhất đầu mối trách nhiệm và thực hiện CPH, thoái vốn nhà nước trong DN, nâng cao trách nhiệm giải trình của đại diện chủ sở hữu nhà nước, đảm bảo thông tin công khai, minh bạch, thuận lợi cho sự tham gia của các nhà đầu tư, DN...
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Trong 7 tháng đầu năm nay, vốn FDI đăng ký đạt 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017; vốn thực hiện đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đó cho thấy Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN. Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đang trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 20% GDP, trên 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là khả năng cung ứng vốn còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò là kênh dẫn vốn của nền kinh tế, tỷ lệ vốn hóa từ các thị trường như bất động sản, chứng khoán… còn hạn chế. Cấu trúc thị trường trái phiếu mất cân bằng. Tỉ trọng nguồn vốn ngắn hạn cao trong khi tỉ trọng nguồn vốn trung và dài hạn thấp khiến nền kinh tế không đủ nguồn lực bảo đảm phát triển bền vững.
Năm 2017, 53% doanh nghiệp không có lợi nhuận. Vì sao DN Việt lại thiếu khả quan như vậy? Một nền kinh tế mà đến 53% không có lời, phải chăng do tình trạng vốn mỏng. Các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang phụ thuộc vào vốn vay của ngân hàng là chính, nhiều dự án đầu tư có vốn chủ sở hữu rất thấp, phải đi vay nên chi phí tài chính rất cao. Kể cả ngân hàng, vốn chủ sở hữu cũng đang rất hạn chế. Phó Thủ tướng đồng thời đặt câu hỏi, phải chăng ngân hàng đang phải gánh quá sức?
Nhưng ông cũng cho rằng, "Chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cơ cấu tài chính nội địa còn nhiều hạn chế là do khung pháp lý vẫn còn nhiều bất cập và có độ trễ so với xu hướng cũng như tốc độ tăng trưởng của thị trường tài chính".
Phó Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở kết quả thảo luận của Diễn đàn lần này, đề nghị các Bộ, ngành chủ động tổng hợp, xem xét biện pháp tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Ban IV, Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính chủ động tổng hợp, phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để xem xét, giải quyết nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò thị trường vốn - tài chính và các định chế tài chính đối với sự phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.